AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

 

Dân ca VN.. "Ví Dặm" được Unesco công nhận là di sản văn hóa...

Cơ quan văn hóa LHQ Unesco công nhận điệu dân ca VN.... "Ví-Dặm" là di sản văn hóa.....Xin mời nghe một bài ví dặm  và bài viết về thể lọai dân ca ví dặm...

 

https://www.youtube.com/watch?v=FemLo0kcSRU

 

Về ba loại hình dân ca Hò, Ví, Giặm

A. PHÁC QUA VÀI NÉT VỀ BA LOẠI HÌNH DÂN CA HÒ, VÍ, GIẶM

I. Hát ví

1. Hát ví là gì?

Nhiều người cho rằng Ví là ví von, như câu:

                      Em như hoa nở trên cành,

            Anh như con bướm lượn vành khát khao.

Lại có người cho rằng Ví là với, bên nam hát với bên nữ. Nhiều người lại cho rằng hát ví là hát vói, bên nam đứng ngoài ngõ ngoài đường "hát vói" vào sân, vào nhà với các cô gái đang kéo vải, hoặc đám con gái đang cấy lúa ở đỗi ruộng này "hát vói" sang đỗi ruộng bên cạnh với đám con trai đang nhổ mạ. Ý kiến thứ ba này cần chú ý hơn.

2. Hát ví ở xứ Nghệ.

Các loại hình và sự ra đời.

Cũng như các địa phương khác, hát ví ở xứ Nghệ cũng là lối hát giao duyên giữa trai và gái. Ở xứ Nghệ này nói hát ví là hát chung. Loại hình lao động nào cũng có hát ví. Người chèo thuyền trên sông nước có ví đò đưa, ví trên sông; người đan lát rổ rá có ví phường đan, người đi củi có ví phường củi, người kéo vải có ví phường vải,... Cứ theo các loại hình lao động chúng ta còn thấy có hát ví phường vàng, hát ví phường nón, hát ví phường cấy, hát ví phường gặthát phường chắp gai đan lưới,... Như vậy ngay cái tên của nó, cũng đã gắn với nhiều nghề nghiệp với lao động rồi. Trong các loại hình hát ví nói trên, hát ví phường vải nổi trội hơn cả.

Như vậy nguồn gốc của hát ví là do lao động, do nhu cầu sinh hoạt về mặt tinh thần của nhân dân trong lúc lao động. Nhân dân lao động xứ Nghệ đã sáng tạo ra hát ví. Nó là một phương tiện sinh hoạt văn nghệ tự túc của nhân dân. Có lẽ nó ra đời đã lâu lắm rồi, nhưng năm tháng nào thì chưa rõ, ít nhất cũng vào đầu thế kỉ XVIII.

3. Các đặc điểm của hát ví

Hát ví xứ Nghệ có các đặc điểm sau:

3.1. Không kể thời gian:Không như hát quan họ ở Bắc Ninh, hát xoan ở Phú Thọ, hát cửa đình ở một số nơi khác, quanh năm trên đất Nghệ, lúc nào cũng có tiếng hát ví, không hát ví đò đưa, ví phường vải thì có ví phường củi, ví phường măng, ví phường bện võng,...

3.2. Hát ví xứ Nghệ, nhất là ví phường vải có quy cách hẳn hoi

Quy cách hát ví thể hiện ở một thủ tục nhất định - thủ tục một cuộc hát thường có ba chặng. Chặng một có hát dạo, hát chào, hát mừng và hát hỏi. Chặng hai là hát đố hoặc hát đối. Chặng ba gồm hát mời, hát xe kết và hát tiễn. Thủ tục trên mang tính lịch sự của một cuộc hát. Phải qua một quá trình phát triển như thế nào mới hình thành được một thủ tục như vậy.

- Không những có thủ tục mà còn có quy cách. Con trai mới đến hát phải đứng ngoài đường ngoài ngõ. Vượt được cái chặng hát dạo, hát chào, hát mừng, hát hỏi mời là bước đầu. Phải qua được cái cầu hát đố, nhất là hát đối mới được mời vào nhà. Mời vào nhà rồi còn phải đối đáp những câu hát mời uống nước, mời ăn trầu, mời hút thuốc, mới đến cái bước hát xe kết.

- Ngoài ra còn cách hát. Ví như hát ví phường vải, trước khi hát một câu, bên nam gọi bên nữ: "ơ này, chị em phường vải ơi!". Bên nữ đáp "ơ này, thưa chi!" rồi bên nam mới hát. Hát hay, bên nữ khen: "Hay, ơ rằng hay" hoặc "Hay, hỡi rằng cân", Còn hát không hay, câu văn lủng củng các cô nói "Hay, răng chưa cân", "Ơ rằng chưa xinh". Bên nữ trước khi hát câu nào cũng phải gọi bên nam: "Ơ, người đi nhởi ơi!". Đó là lúc đầu. Còn khi đã đằm thắm gắn bó với nhau thì phải gọi "ơ là bạn, người ơi!", hoặc "ơ, là bạn tình ơi!", ...

3.3. Có nhà nho tham gia

Không phải hát ví nào nhà nho cũng tham gia. Các nhà nho thường tham gia ví phường vải, ví phường nón, ví phường vàng,... tham gia hát ví đa số là các nhà nho bình dân, xuất thân từ quần chúng lao động, những cũng không ít các danh sĩ như Nguyễn Du, các nhà khoa bảng như Đinh Viết Thận, các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu,... Tham gia hát ví, họ thường làm "thầy bày", "thầy gà" cho bên nam hoặc bên nữ. Một số người cũng trực tiếp cất giọng. Có nho sĩ tham gia, nên bao giai thoại về hát ví có liên quan đến họ còn truyền lại mãi ngày nay.

3.4. Ca từ hát ví

Hầu hết được sáng tác theo thể lục bát, một số câu theo thể song thất lục bát hay còn gọi là lục bát biến thể. Vì đã trải qua một thời gian dài, lại có nhà nho tham gia, nên ca từ hát ví nhất là hát ví phường vải, nhiều câu hát ví khá chải chuốt, khá điêu luyện. Nhiều câu hay đến mức kinh điển, ví như các câu:

            Sự đời nước mắt soi gương

            Càng yêu mến lắm, càng thương nhớ nhiều

            Thấy anh như thấy mặt trời,

            Chói chang khó ngó, trao lời khó trao.

3.5. Làn điệu hát ví

 Giọng hát ví cất lên nghe trầm trầm, tha thiết, lắng sâu vào lòng người, nghe như có gì nấc nghẹ trong lòng, đè nặng lên tâm tư, quấn quýt vấn vương bên mình, đứng gần nghe như nhắn nhủ, như nỉ non tâm sự, đứng xa nghe man mác, bâng khuâng, tưởng như người hát, hát cho người khác nghe thì ít mà hát để bộc lộ nỗi lòng của mình thì nhiều. Suốt đêm bà con chỉ hát một làn điệu. Có thay đổi chăng là giọng thấp, giọng cao, giọng dí dỏm hài hước, giọng giận hờn, trách móc, giọng da diết yêu thương,... cho phù hợp với nội dung câu hát và tâm trạng của mình, với môi trường hoàn cảnh xung quanh, với thời gian ngày đêm, không gian núi đồi, sông nước, làng mạc, ruộng đồng hay chỉ trong một cái sân nhỏ, một căn nhà tranh,... phù hợp với công việc đang làm, chứ làn điệu trước sau chỉ là một. Là một song biến hóa vô cùng về âm sắc nên một số nhạc sĩ cho rằng làn điệu hát ví "rất phong phú" hay "khá phong phú".

3.6. Không gian văn hóa của hát ví

Như vừa nói trên, người Nghệ hát ví mọi nơi, mọi môi trường, mọi không gian. Riêng hát ví phường vải thì:

a) Không gian văn hóa của nó:

Lúc đầu, trong nhà - ngoài ngõ; về sau trong nhà hoặc trong một mảnh sân của một nhà nào đó.

b) Thời gian văn hóa:

Thường từ chập tối đến nửa đêm.

c) Công cụ sinh hoạt:

Bên nữ: Xa quay kéo vải, gắn liền với lao động;

Bên nam: Không làm gì, chỉ đứng hát, hay ngồi hát.

d) Con người (cả hai bên):

- Người cất giọng hát;

- Người đỡ giọng (có thể là một, hai hay ba người);

- Thầy bày, hay còn gọi là thầy gà;

- Thính giả tự nguyện.

đ) Nội dung sinh hoạt:

Hát giao duyên, trong đó có:

- Hát qua - Hát lại (theo ý, theo lời);

- Hát hỏi - Hát đáp;

- Hát đố - Hát giảng;

- Hát đối - Hát chọi;

- Hát xe kết, kể cả hát tiễn (cũng hát qua hát lại).

e) Thủ tục cuộc hát:

Bảy bước - ba chặng như đã nói trên.

Với đặc điểm này và năm đặc điểm trên, ở xứ Nghệ khi trai gái hát ví giao duyên với nhau thì rõ ràng nó mang tính chất nguyên hợp của Folkore.

II. Hát giặm

1. Hát giặm là gì?

Có người cho rằng giặm là giẫm chân và hát giặm là lối hát có đánh nhịp bằng chân. Lại có người cho rằng, tiếng giặm xuất phát từ tính phân đoạn trong một bài hát giặm, tức là trong một bài hát có nhiều đoạn nhiều khúc. Còn có người cho rằng, giặm là giắm vào, điền vào như giắm lúa, điền nan (trong một cái rổ). Ý kiến này căn cứ những câu láy lại trong một bài hát giặm. Thực ra những ý kiến trên chưa thuyết phục hoàn toàn đối với những người muốn tìm hiểu về hát giặm.

Thật ra, theo tôi nó là tiếng vang lại của giọng nói nơi núi rừng. Nhất là khi chúng ta đi vào những khu núi rừng có nhiều vách đá thẳng tắp cheo leo. Khi nói một câu chúng ta thường nghe lại những tiếng của chính mình. Câu láy lại trong một đoạn hay một khúc có thể là tiếng vọng đó của con người thời xa xưa. Ý kiến trên của tôi mới có tính chất tương đối mà thôi, nhưng đã được một số người cho là có tính chất khám phá.

2. Các đặc điểm của hát giặm

2.1. Hát giặm xứ Nghệ có hai hình thức:

- Hát giặm nam nữ.

- Hát giặm vè (tức vè sáng tác theo thể hát giặm)

Ở đây xin chỉ nói về hát giặm nam nữ. Cũng như hát ví, người xứ Nghệ hát giặm quanh năm, không kể mùa xuân hay mùa hạ, nam nữ gặp nhau hễ có dịp cùng nhau lao động, tổ chức thành phường hát đơn giản là có thể ca hát giặm nam nữ. Nó khác hát ví ở chỗ, hát ví thịnh hành khắp xứ Nghệ, còn hát giặm chỉ thịnh hành ở phía Nam Hà Tĩnh, cụ thể là các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ,...

2.2. Thủ tục hát giặm: Hát giặm xứ Nghệ cũng có thủ tục như hát ví, song không chặt chẽ như hát ví, nó có ba bước cơ bản là hát dạo, hát đố và hát xe kết. Trong bước hát dạo, có khi hát chào, hát mừng, hát hỏi thay cho hát dạo. Còn hát đối hầu như vắng bóng, có chăng chỉ là thưa thớt. Đã thế qui cách hát cũng đơn giản.

2.3. Vai trò nhà nho: Ít có hoặc không có nhà nho tham gia hát giặm. Nhà nho tham gia hát giặm là những người thích hát, biết hát giặm, tự hát được những bài hát giặm. Còn làm thầy bày, thầy gà thì khó lắm. Vì hát giặm nam nữ, có bài ba bốn chục câu, thậm chí có bài năm sáu chục câu mà người hát phải hát liền một mạch thì bày hoặc gà thế nào được.

2.4. Về ca từ: Nếu như hát ví hầu hết là những câu lục bát và lục bát biến thể thì ca từ hát giặm hầu hết là những câu năm chữ hoặc bốn chữ. Trong một khổ hay một đoạn của bài hát giặm thường bốn hay năm câu. Thí dụ một đoạn:

Canh khuya nghe tiếng trống

Nhớ bạn cũ ghe tằng

Biết tính liệu mần răng?

Chung buồng hương mới thoả

Hợp một nhà mới thoả

                                    (Trông cho liễu gặp đào)

Như vậy câu đầu là trắc, câu cuối và câu láy là trắc. Hai câu giữa là bằng. Hai câu giữa này có khi mở rộng lên chín, mười câu hoặc nhiều chục câu.

Về ca từ chúng ta chú ý:

a. Câu láy

Không phải khổ hay đoạn vè nào trong một bài vè hát giặm cũng có câu láy lại. Ý nghĩa chính của câu láy lại là để nhấn mạnh cái ý của đoạn hay khổ vừa nói. Nhưng chúng tôi cho rằng, đó là tiếng vang vọng (écho) của núi rừng. Điều này cắt nghĩa, hát giặm xứ Nghệ ra đời từ xa xưa, khi con người còn sống ở nơi núi rừng có nhiều vách đá cheo leo, như đã nói trên.

b. Câu mở đầu và câu kết thúc

Nhiều bài hát giặm mở đầu bằng câu lục bát rồi mới tiếp theo là những câu 5 chữ hoặc 4 chữ. Thí dụ như bài "Nghe tiếng tài hát giặm"

Cây cỏ lá đề,

Nghe tiếng tài hát giặm

Bạn mới về tới đây,

Ngồi ghế trúc, ghế mây,

Ngồi ghế tàu chạm lộng.

Kết thúc cũng thế, có bài câu cuối cũng vẫn 5 chữ, có bài câu cuối cùng sáu, bảy, tám chữ, có bài là câu lục bát.

2.5. Làn điệu hát giặm

Thường có hai làn điệu là: hát ngâm và hát nói: Hát nói là cơ bản, phần chủ yếu của âm nhạc hát giặm. Hát nói của hát giặm tạo cho người nghe một cảm giác đều đều, chắc gọn, nặng nề. Phương ngữ xứ Nghệ có câu:

Dại nhất là thổi tù và,

Thứ nhì hát giặm, thứ ba thả diều.

Mặc dù nó vẫn có vần, có âm, có tiết. Nó là một loại dân ca ở trình độ còn thô sơ, chưa đến mức độ điêu luyện, uyển chuyển, phản ánh cuộc sống phong phú, nhiều màu sắc của con người ở nơi đồng bằng trù mật, đô hội như hát ví. Cách hát của hát giặm thường chỉ ngân mà không rung, nét mặt, khuôn miệng khi hát không được tròn trĩnh xinh tươi cho lắm, nên phương ngữ xứ Nghệ còn có câu: "Hát giặm đồng đội, mặt to như cái nồi, còn ngồi hát giặm". Do đó, phải có hát ngâm.

Tuy là thứ yếu nhưng nó làm bài hát giặm đỡ khô khan, đỡ nhàm chán. Hát ngâm thường là câu lục bát và khi cắt giọng cũng gần như hát ví.

Với 2 làn điệu như vậy, Giáo sư Nguyễn Đổng Chi cho rằng hát giặm "phản ánh tính chất một thứ lao động nào đó tương đối nhọc mệt, đều đều như đi đường, leo núi, giã gạo, v.v... hoặc phải chăng nó chịu ảnh hưởng của một công cuộc sinh hoạt hãy còn thô sơ, đơn điệu ở chỗ núi rừng". Điều này Giáo sư đã thống nhất với chúng tôi qua phần ý nghĩa của câu láy lại đã nói trên.

2.6. Về không gian văn hóa và thời gian văn hóa của hát giặm

Cũng tương tự như hát ví, khác chăng là không có thầy bày, thầy gà; không có hát đối - hát chọi, và thủ tục cuộc hát không chặt chẽ như hát ví, nói tóm lại là đơn giản hơn nhiều, câu văn mộc mạc hơn nhiều.

Trên đây là khái quát những nét cơ bản về hát ví và hát giặm xứ Nghệ.

III. HÒ

1. Hò là gì?

Hò là hô lên trong lúc làm một công việc gì đó nặng nhọc như kéo gỗ, kéo đá, đẩy xe bò lên dốc, gánh nặng đi đường xa, v.v...

Chức năng chủ yếu của hò là phục vụ công việc lao động, trợ ứng cho lao động. Lúc lao động nặng nhọc, người ta rất cần nhịp điệu và tiết tấu mang tính tập thể, tính cộng đồng để công việc được nhẹ nhàng hơn, đỡ sức cơ bắp hơn. Do đó mà cần phải có hò.

2. Hò ra đời từ bao giờ?

Các nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian đều cho rằng: "Hò là những bài ca lao động, trợ ứng cho lao động, ra đời từ thời kỳ phát triển rất sớm của nhân loại và đóng vài trò quyết định trong việc xuất hiện của sáng tác thơ ca" (K.Biukhơ). Những bài ca lao động như hò được sản sinh ra một cách trực tiếp từ quá trình lao động, gắn liền với nhịp điệu lao động và cảm hứng lao động. Trong lao động, nhịp điệu rất quan trọng. Nhịp điệu là đặc trưng của động tác lao động.

3. Các loại hò ở xứ Nghệ

Có thể kể:

- Hó kéo gỗ, kéo đá.

- Hò leo núi.

- Hò bơi thuyền.

- Hò khoan đi đường.

- Hò kéo lưới.

- Hò ra khơi, còn gọi là hò ruốc tôm canh.

- Hò nện đất hay còn gọi là hò đầm đất.

- v.v...

4. Cách thức hò

Có 2 phần:

- Phần "Kể" hay "Xướng". Phần này thường là một câu ca do một người xướng lên, hát lên.

- Phần "" là một tiếng hoặc một câu ngắn do tập thể những người cùng lao động hưởng ứng mà "hò lên", như "hự", "dô ta", "hò khoan", "ấy mời hò khoan", v.v...

5. Lời ca của hò

Như vừa nói trên thường là câu lục bát hay những câu 4 chữ, 5 chữ. Nội dung những câu này thường thích hợp với loại hình lao động, hoàn cảnh lao động. Nhưng Biukhơ trong cuốn "Lao động và nhịp điệu" khi phân tích những bài ca lao động thường chú trọng vào ý nghĩa thuần túy sinh lý của nhịp điệu tức là những câu hát. Ông cho rằng, chính những câu như vậy mới gây cảm hứng lao động, tăng sức mạnh cho cơ bắp. Dân ta kéo gỗ thường hò câu:

Kéo gỗ thì phải có đà,

Đàn ông dập xuống, đàn bà ưỡn lên.

Chính qua lời ca của hò mà phát sinh thêm chức năng của hò, của những bài ca lao động như chức năng tố cáo, chức năng đấu tranh. Ví như câu:

Có ông bang tá xã ta,

Thấy dân kéo gỗ đi qua nghe hò.

Hò rằng bang mủng bang mo,

Thấy cô vú dảnh, bang mò ăn đêm.

Chẳng thế mà hò có câu:

Thiên lý quan san, vạn lý quan san,

Câu hò "khoản ấy" gỗ băng ngàn gỗ đi.

Và ở xứ Nghệ ở đâu có hò kéo đá, kéo gỗ thì người đi xem rất đông. Họ đi xem để nghe câu hò "khoản ấy", rất nhiều câu đụng đến ông nọ bà kia trong làng xã.

Về hò tôi xin dừng lại ở đây.

B. GIÁ TRỊ CỦA DÂN CA HÒ, VÍ, GIẶM XỨ NGHỆ

1. Dân ca ví, giặm và hò: Đặc biệt ví, giặm là một tài sản văn hoá phi vật thể cổ truyền, lâu đời; một thổ sản đặc biệt của xứ Nghệ. Nó do nhân dân xứ Nghệ sáng tạo ra. Nó là dân ca lao động, dân ca nghề nghiệp, dân ca trữ tình. Nhân dân Xứ Nghệ đã luôn sử dụng, phổ biến, lưu truyền và phát huy rộng rãi trong toàn vùng xứ Nghệ. Nó mang âm hưởng và sắc thái rõ ràng của xứ Nghệ. Khi làn điệu hát ví, hát giặm được cất lên thì không chỉ người xứ Nghệ mà người các địa phương khác trong toàn quốc đều biết ngay đó là của nhân dân xứ Nghệ. Ta có thể khẳng định: Bản quyền sáng tạo, sử dụng, lưu truyền và phát huy dân ca ví, giặm là nhân dân xứ Nghệ trong trường kì lịch sử. Đó là niềm tự hào của nhân dân xứ Nghệ. Điều đó là một chân lí, không cần tranh cãi.

2. Nhân dân xứ Nghệ trong quá khứ cũng như hiện tại đã nắm chắc lấy nó, coi nó là một phương tiện văn nghệ tự túc, để vui chơi giải trí, một tài sản tinh thần vô giá để thể hiện các quan niệm về cuộc sống về đấu tranh, chống các thế lực hắc ám; về thể hiện các mối quan hệ xã hội, quan hệ với tự nhiên; thể hiện ý chí, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, nhất là hạnh phúc lứa đôi của mình,vv...

3. Dân ca ví, giặm xứ Nghệ như đã nói trên là phương tiện sinh hoạt văn nghệ tự túc của nhân dân lao động xứ Nghệ, nhưng bao danh sĩ, chí sĩ yêu nước, bao nhà khoa bảng có tên tuổi, bao trí thức bình dân trên đất Hồng Lam này, đã từng thức thâu đêm, tham gia hát ví, hát giặm với quần chúng lao động. Có thể kể: đại thi hào Nguyễn Du, tiến sĩ Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Quýnh, danh sĩ Nguyễn Huy Hổ, ông hoàng tài ba trong làng ca trù Nguyễn Công Trứ, nhà ái quốc vĩ đại Phan Bội Châu, chí sĩ Vương Thúc Quý. Tắm gội với sinh hoạt văn nghệ quần chúng, họ đã làm sang trọng hai loại dân ca ví, giặm của quê hương, nhưng lại hấp thu được hương phấn của hai loại dân ca đó, nói cách khác là hai loại dân ca đó đã thầm lặng giúp đỡ họ và nhiều tác giả khác, sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ, làm sáng rực lâu đài văn học dân tộc, như Truyện kiều của Nguyễn Du, Hoa tiên truyện của Nguyễn Huy Tự, Mai Đình mộng kí của Nguyễn Huy Hổ, những bài hát ca trù phóng khoáng của Nguyễn Công Trứ, các bài văn, bài hát giặm vè động viên lòng yêu nước của Phan Bội Châu, vv... Phải nói hát ví, hát giặm có giá trị như thế nào mới hấp dẫn, mới lôi cuốn các danh sĩ, chí sĩ, nho sĩ tham gia để sáng tạo nên các tác phẩm nói trên. Trong toàn quốc chưa thấy địa phương nào có loại hình dân ca lôi cuốn đông đảo các danh sĩ, chí sĩ, các nhà khoa bảng tham gia sinh hoạt như dân ca ví, giặm xứ Nghệ.

4. Trước cách mạng chưa rõ, từ sau Cách mạng tháng Tám, hai loại dân ca ví, giặm xứ Nghệ, về mặt nhạc điệu đã được nhiều nhạc sĩ khai thác chất liệu và âm hưởng của làn điệu, sáng tác nên nhiều ca khúc có giá trị, được nhiều ca sĩ, nhiều đoàn văn công và đông đảo quần chúng mến mộ như:

Xa khơi của Nguyễn tài Tuệ;

Tiếng hò trên đất Nghệ An của Tân Huyền;

Giữa mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh của Trần Hoàn;

Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh của Nguyễn Văn Tý;

Nghe giọng đò đưa nhớ Bác của An Thuyên;

Trông cây lại nhớ đến Người của Đỗ Nhuận;

- V.v...

Các ca khúc ấy luôn vang lên trên các đài phát thanh truyền hình, các sân khấu nghệ thuật, các lễ hội và hội diễn văn nghệ, các làng mạc phố phường, nói tóm lại là khắp các nẻo đường đất nước. Có được những ca khúc tài ba ấy, làn điệu ví, giặm xứ Nghệ cũng đã thầm lặng giúp đỡ các nhạc sĩ.

5. Ngọn nguồn sáng tạo làn điệu là nhân dân mà ngọn nguồn sáng tạo ca từ tức phần lời cũng là nhân dân. Năm nọ qua năm kia, nơi này hoặc nơi kia hát, những lời ca đặt tại chỗ, ứng khẩu tại chỗ để hát ví, hát giặm; câu nào bài nào dở thì trôi đi, câu nào hay bài nào hay thì còn lại và được truyền tụng. và đã trở thành ca dao. Nguồn sáng tạo vô cùng về ca từ đó được lưu truyền mãi, để tôi (với sự giúp đỡ của học sinh, của nhiều người khác) đã sưu tập được hàng ngàn câu ca dao, hàng ngàn bài hát giặm nam nữ, hát giặm vè, trong đó có những câu những bài nói về lịch sử, về địa lí, về dân tộc, về triết lí cuộc sống, về phong tục tập quán ngoài đa số câu, đa số bài nói về tình yêu trai gái, về hạnh phúc gia đình. Đó là Kho tàng ca dao và Kho tàng vè xứ Nghệ mà bây giờ là cứ liệu của nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ.

6. Nếu như trước Cách mạng Tháng 8 dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh xuất hiện loáng thoáng trong một số vở chèo do người xứ Nghệ sáng tác như chèo Kiều, chèo Đặng Xuân, chèo Thội Thao thì sau Cách mạng Tháng 8 dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ và cả Hò nữa đã được một số người am hiểu sử dụng để sáng tác thành những vở kịch hát ngắn gọn mà ta thường gọi là tiểu phẩm như:

Không phải tôi của Nguyễn Trung Giáp (1970);

Khi ban đội đi vắng của Nguyễn Trung Phong (1971);

Đầu bến sông của Trần Hữu Thung (1975);

- V.v...

Sau đó nó đã được sân khấu hóa thành một kịch chủng, cũng gọi là kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh tức là chuyển hóa từ hình thức diễn xướng dân gian lên hình thức diễn xướng chuyên nghiệp, có đạo diễn, có sân khấu với ánh sáng, hóa trang, trang phục.... trong một kịch bản mang tính chất tổng hợp có giá trị nghệ thuật cao hơn.

Từ ngày có kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh nhiều vở đã được công diễn ở Thành phố Vinh, ở Hà Nội, Hà Tĩnh, ở khắp làng quê xứ Nghệ, trên đài PTTH Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội; nổi tiếng là các vở:

Cô gái Sông Lam của Nguyễn Trung Phong (1981);

Đốm lửa núi Hồng của Thế Kỷ (1980);

Mai Thúc Loan của Phan Lương Hảo (1984);

Bão táp cửa Kỳ Hoa của Phạm Ngọc Côn (1986);

- V.v...

7. Dân ca ví giặm xứ Nghệ đã để lại bao nghệ nhân có tên tuổi. Họ là những người hát hay, sáng tác giỏi, ứng đối tài. Chúng tôi đã tạm chia nghệ nhân dân gian trong làng hát ví, hát giặm làm ba loại.

- Loại 1: là những nghệ nhân đã bước qua cửa Khổng sân Trình như Nguyễn Du, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Hổ, Phan Bội Châu, Đinh Viết Thận, Tạ Quang Diệm, Phó bảng Trần Tiến Kỷ, Trần Thức Canh (Cả Canh), Đầu huyện Hiến,... Họ đều để lại những giai thoại tốt đẹp, một số người là danh nhân văn hóa dân tộc.

- Loại 2: là những sĩ phu yêu nước như Trần Tấn, Đặng Như Mai, Cao Thắng, Đề Kiểu, Đề Nam, Vương Thúc Quý, Bùi Chánh Lộ, Đặng Văn Bá,... Người nổi trội hơn cả vẫn là Phan Bội Châu. Họ đi chơi hát ví, hát giặm ngoài mục đích thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn nghệ, còn dùng câu hát để khêu gợi lòng yêu nước trong nhân dân.

- Loại 3: là những nghệ nhân thuần túy như bà Chánh Diên, Cô Nhẫn, ông Hàn Sách, ông Bộ Thân, bà Cháu Ban, Dái Kình, Hoàng Thị Lượng, Can Giạ, Tiu Hào, Sĩ Đường...

Chính họ là những người tài hoa đã diễn xướng giỏi, thường làm nòng cốt cho bao cuộc hát và đã truyền dạy cho bao lớp cháu con về hát ví hát giặm. Chúng ta quá lơ là về họ, gần đây Hội VNDG Nghệ An mới làm đơn xin công nhận và tôn vinh tám cụ nghệ nhân hát phường vải ở Nam Đàn. Còn Hà Tĩnh mới được bốn  cụ.

8. Thấy rõ giá trị và sức sống của nó, về sưu tập nghiên cứu dân ca ví giặm xứ Nghệ đã có các công trình:

1. Hát giặm Nghệ Tĩnh của cố giáo sư Nguyễn Đổng Chi, Nxb. Tân Dân, Hà Nội, 1943, (300 trang). Công trình ra đời năm 1963, 1964 được Nxb Khoa học, nay là Nxb KHXH tái bản dày 900 trang (2 tập), có sự cộng tác của Ninh Viết Giao.

2. Hát ví Nghệ Tĩnh của Nguyễn Chung Anh, Nxb Văn Sử Địa - Hà Nội, 1958 (146 trang). Công trình này bước đầu giới thiệu khái quát về Hát ví Nghệ Tĩnh.

3. Hát phường vải của Ninh Viết Giao, Nxb Văn học - Hà Nội, 1961, đã tái bản đến lần thứ năm (483 trang). Công trình này đi sâu nghiên cứu một loại hát ví đặc sắc ở xứ Nghệ như tên của nó là Hát phường vải.

4. Âm nhạc dân gian xứ Nghệ của Lê Hàm, Hoàng Thọ, Thanh Lưu, Lê Hàm chủ biên. Hội VNDG Nghệ An ấn hành năm 2000 (550 trang) trong đó có ví, giặm, hò.

5. Hát phường vải ở Trường Lưu của Vi Phong và Phan Thư Hiền, Sở VH - TT nay là Sở VH - TT - DL Hà Tĩnh ấn hành năm 1993 (163 trang). Công trình này cũng đi sâu nghiên cứu giới thiệu ví phường vải ở làng Trường Lưu, huyện Can Lộc.

Tóm lại, với giá trị đích thực, tốt đẹp, bền vững của nó; dân ca hát ví, hát giặm xứ Nghệ đã được nhân dân xứ Nghệ tôn trọng, bảo tồn và phát huy bằng nhiều cách. Cái gia tài văn hóa phi vật thể này vẫn lưu lại không chỉ trên cửa miệng, trên sách báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng mà trong hơi thở, trong máu của người Xứ Nghệ.

 

NguyenDacSongPhuong 

 

up

AcDieu
Google Search:       

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

11-2014

10-2014

09-2014

08-2014

07-2014

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME